Thứ Sáu, 3 tháng 7, 2009

Tiếp Sức mùa thi 2009


TỔNG HỘI SINH VIÊN CÔNG GIÁO HÀ NỘI TIẾP SỨC MÙA THI
Hà Nội-Hôm nay 2/7/2009, Tổng hội Sinh viên Công giáo Tổng Giáo phận Hà Nội, đã theo tiếp đón các thí sinh từ cac tỉnh Miền Bắc về Hà Nội dự thi tuyển sinh đại học.
Tổng số tình nguyện viên khoảng 800 gồm 14 nhóm khác nhau trên khu vực nội ngoại thành Hà Nội, tiếp đón khoảng 2000 thí sinh trong kỳ thi tuyển sinh đại học đợt I.
Kỳ tiếp sức mùa thi này nhằm giúp các thí sinh Công giáo và không Công giáo về Hà Nội có điều kiện ăn ở đi lại và thi cử tốt nhất, tỷ lệ đậu đại học cao nhất, với chi phí thấp nhất, nhằm giảm thiểu gánh nặng và gia tăng cơ hội cho các gia đình nông dân.
Tính đến trưa ngày 2/7/2009, phần lớn các thí sinh đăng ký đã được các sinh viên tình nguyện chở về các địa điểm tập kết tại Đại Chủng viện Cổ Nhuế, Toà Tổng Giám mục Hà Nội, tại nhà thờ và/hoặc nhà dân ở các giáo xứ Thái Hà, Kẻ Sét, Phùng Khoang, Tư Đình, Hàm Long, Nam Dư…
Như năm trước, thí sinh của giáo phận Thái Bình được Toà Giám Mục và hội sinh viên Công giáo Thái Bình tổ chức đưa đón chu đáo nhất: Tập kết ở TGM Thái Bình và có xe chở lên nhà thờ Kẻ Sét, Hà Nội, dự lễ chung ở đây sau đó các sinh viên mới đón về các nhà trọ.
Nhóm sinh viên tình nguyện Phát Diệm cũng học được “công nghệ” này. Các sinh viên nhiệt thành và hy sinh đã về tận Ninh Bình thuê xe chở thẳng các bạn thí sinh lên Hà Nội. Khoảng 11 h trưa, 6 xe chở thí sinh của nhóm sinh viên Phát Diệm cũng đã lên tới Hà Nội và các thí sinh đã được đưa về Cổ Nhuế, Thái Hà, Phùng Khoang và chia đi các nhóm khác.
Một số cha, thầy và các bạn trẻ dự tu của các hội dòng cũng tham gia tiếp sức mùa thi: DCCT có cha Khải, cha Lâm, cha Quỳnh và các sinh viên dự tu của Tu viện Thái Hà, Dòng Tên có thầy Hoàng, cha Quang, Phó xứ Phủ Lý, cha Triệu, Phó xứ Hàm Long, các nữ tu Tu hội Hiệp Nhất và Dòng Đa Minh Bùi Chu ở Kẻ Sét, Dòng Mân Côi ở Thái Hà, v.v..
Đón tiếp vất vả nhất là các bạn trong Nhóm sinh viên Hưng Hoá tại bến xe Mỹ Đình, vì các thí sinh về lẻ tẻ từ các vùng khác nhau của một giáo phận rộng nhất Việt Nam.
Phục vụ vất vả nhất là các bạn thuộc nhóm sinh viên nông nghiệp, do người ít, thí sinh thi ở khu vực các bạn phụ trách rất đông, trong khi phương tiện lại thiếu thốn.
Nhóm có kinh nghiệm tiếp sức mùa thi lâu năm và có tổ chức tốt hàng đầu là nhóm Hải Hà lại đón tiếp tương đối ít. Đợt 1 các bạn đón khoảng 100 thí sinh, lý do là người vùng Hà Tây (cũ) gần nội ngoại thành Hà Nội nên không có nhu cầu đăng ký nhờ các tình nguyện viên giúp đỡ.
Khu vực có điều kiện ăn ở tốt nhất năm nay là các bạn thí sinh thi ở khu vực Nam Thăng Long và Toà Tổng Giám Mục Hà Nội, vì Đại Chủng viện đang nghỉ hè, Ban Giám đốc đã cho Tổng Hội sinh viên mượn các cơ sở ở Cổ Nhuế và ở 40 Nhà Chung làm nơi tiếp các thí sinh.
Khu vực khó khăn về nhà ở nhất là quận Cầu Giấy, vì khu vực này không có nhà thờ, ít giáo dân, trong khi lại tập các đại học lớn như ĐH Quốc gia, ĐH Ngoại ngữ, ĐH Ngoại Thương, Giao thông Vận tải, v.v…Để giải quyết khó khăn, các bạn sinh viên đã mạnh dạn thuê một số ngôi nhà đồng thời cũng chia sẻ phòng ở vốn nhỏ bé của mình làm nơi tiếp đón các thí sinh.
Nhiều gia đình giáo dân trong thành phố Hà Nội đã đăng ký làm nơi tiếp đón các thí sinh, có gia đình còn tình nguyện làm xe ôm và nấu ăn giúp các thí sinh. Một số gia đình khác cho mượn xe máy. Hội gia trưởng Hàm Long theo lời kêu gọi của cha Phạm Minh Triệu, đã cho Nhóm Sinh viên Đại học Nông nghiệp mượn 10 xe gắn máy.
Kỳ thi tuyển sinh đại học là một dịp TGP Hà Nội thể hiện tình liên đới, yêu thương, chia sẻ cụ thể, sống động và cảm động. Sự kiện đới ấy đang góp phần hun đúc tinh thần của Giáo Hội nơi này và làm cho Giáo Hội trở nên mạnh mẽ và hiệp nhất./.
Thái Hà CTV CSsR
Tại Giáp Bát

sửa văn

Sửa Văn
Gửi bởi: , Ngày đăng: 02/07/2009, Lần xem: 72, Thảo luận: 1 lượt.

Để viết được, tâm hồn người ta thường phải có cái gì đó đầy đầy, có cái gì đó hay hay. Nhờ viết, những tâm tư vô hình trong tâm hồn người ta được xuất hiện dưới dạng những câu chữ hữu hình. Bài viết nào cũng mang theo một chút tình. Biết rằng cái đẹp của một bài văn một bài thơ thường chỉ phản ánh được phần nào cái đẹp trong tâm hồn người viết, thế nên đọc một bài viết đẹp đẹp, Cestino nể nể chính cái người viết đẹp đẹp...
SỬA VĂN

Không hiểu vì lý do trời ơi đất hỡi gì, tự nhiên có nhiều người đòi nhận Cestino làm thầy. Nhận xong, người ta bắt Cestino làm thầy người sửa văn. Bắt xong, người ta thường quở Cestino là cái ông thầy gì mà... lắm sự.
Mà có lẽ Cestino lắm sự thiệt, sửa thì hổng chịu sửa đại cho người, cứ hay bày đặt vẽ vời lòng vòng. Trước khi sửa, Cestino hay hỏi han hoạch họe đủ điều, đủ câu, đủ kiểu. Chẳng hạn: Tác giả gởi bài cho tui, mà tác giả có đọc kỹ bài của mình chưa dậy? (Câu này thì chắc chắn là tác giả của nó phải trả lời: ừa rồi, đọc kỹ lắm rồi). Tác giả đọc rồi thì thấy thích chỗ nào nhất trong cái bài của mình? (Câu này thì tác giả hay cười hì hì: chỗ nào cũng thích hết á!). Ủa, vậy thì có chỗ nào trong bài mà tác giả chưa thích hông? (Tới câu này thì tác giả thường nhăn nhăn cái mặt: đã nói là thích ráo trọi mà..). Nếu cần sửa, tác giả sẽ sửa chỗ nào? (Tới đây thì nhiều tác giả đã từng... hét lên: Trời ui, tui mà biết cần sửa chỗ nào thì cần gì tui phải bái ông làm sư phụ, đúng là cái ông thầy réc rối sự đời... ).
Ừa, mà thiệt cái sự đời nó thường réc rối là thế đấy. Hồi còn nhỏ, Cestino hay nghe mấy ông nhà văn nhà thơ cà khịa với nhau. Mấy ổng nói “văn mình, vợ người”. Vợ của người ta là nhất. Văn của mình là nhất. Ông nào cho ra đời một đứa con tinh thần rồi thì cũng ngồi vỗ đùi đen đét. Mỗi tác phẩm người ta đẻ ra là một đứa con tinh thần mà. Con thế nào thì cũng là con. Con người ta đẻ ra thì đương nhiên người ta có tình cảm với nó, tự nhiên người ta thích nó... Cestino cắc cớ ở cái chỗ biểu người ta mổ xẻ đứa con tinh thần của mình, biểu người ta sục sạo để nhận ra khuyết tật trong tác phẩm của mình, biểu người ta phê bình trên chính công trình của mình. Có mấy ai thấy thoải mái khi đứa con của mình bị đem lên bàn cân để hoạch họe xét nét. Có ai vui khi thấy người ta cứ chê con của mình.
Nhưng nếu người ta hổng làm độc giả đầu tiên của chính mình, hổng lẽ người ta để người khác đọc giùm sao? Nếu người ta hổng có khả năng chê mình, hổng lẽ người ta để người khác chê giùm sao? Người khác mà chê thì còn đỡ, chỉ sợ họ... hổng thèm chê !
Cũng như có người buồn Cestino vì cái sự sau:
- Ê, ông thầy, cái bài thơ tui gởi cho ông thầy lâu rùi, sao hổng chịu sửa giùm tui...
Cestino gãi gãi cái đầu, cố nhớ: bài thơ nào hen?
- Thì cái bài... đó đó...
+ À, cái bài đó đó hả?..hihihi... muốn tui sửa thơ thì nó phải là... thơ tui mới sửa được chứ.
- Ê, ê... ông nói dậy là sao chớ... ý là chê cái bài tui ziết hổng phải là thơ chứ gì...
+ Có chê gì đâu mà chê, tui chỉ... nhận xét thiệt lòng thôi mà
- Trời, zậy thì còn đau hơn bị ông chê nữa... ủa, mà nó hông là thơ á... sao tui đọc, tui thấy nó hay lăm lắm mà... hổng sửa sửa được tí nào á?...
+ Ừa, thì sửa được, mà sợ làm tác giả đau lòng. Sửa xong sợ tác giả... hổng còn nhận ra được bài của mình nữa...
Thấy hông, làm thầy gì chứ làm thầy sửa văn cho người ta thì đâu có dễ. Vào cái sự viết thì người ta mới thấy, chính mình phải có khả năng sửa cho mình thì mới tiến bộ được. Chính mình phải giữ một khoảng cách khách quan với mình thì mới nhận ra lỗi được... Kỹ năng đầu tiên cần thiết cho một người tập viết tốt đó là kỹ năng đọc và tự phê bình cho tác phẩm của chính mình.
Thật sự, Cestino rất yêu mến những người viết. Để viết được, tâm hồn người ta thường phải có cái gì đó đầy đầy, có cái gì đó hay hay. Nhờ viết, những tâm tư vô hình trong tâm hồn người ta được xuất hiện dưới dạng những câu chữ hữu hình. Bài viết nào cũng mang theo một chút tình. Biết rằng cái đẹp của một bài văn một bài thơ thường chỉ phản ánh được phần nào cái đẹp trong tâm hồn người viết, thế nên đọc một bài viết đẹp đẹp, Cestino nể nể chính cái người viết đẹp đẹp...
Nể hơn nữa vì ai đã cầm bút viết mới biết cái sự viết nó khó tới mức nào. Có những người dạt dào ý tưởng, nhưng cứ bắt tay vào việc là lại gặp trúc trắc. Cái hồi ngồi không thì cái đầu đầy ý tưởng. Tới cái hồi chuẩn bị viết thì tụi ý tứ dẫn nhau đi trốn đâu ráo trọi. Cái hồi đọc bài của người ta thì hứng khởi dạt dào. Tới cái hồi chuẩn bị viết bài của mình thì cứ lúng ta lúng túng như gà mắc thóc. Cái hồi thầy người ta viết ào ào thì mình cứ tưởng là bở. Tới cái hồi mình viết thì mới rõ là mình tưởng bở. Nể người viết vì chính sự kiên nhẫn của họ !
Thôi thì vạn sự khởi đầu nan. Chúc nhiều người đã thích viết tiếp tục viết viết. Viết để tập cho mình lối diễn đạt với mình. Viết để hiểu mình. Viết để hướng ra cho mình một con đường, một lối đi.
Và viết để chia nhau chút tâm tình đẹp đẹp…