Thứ Bảy, 8 tháng 7, 2017

KINH DÂNG NƯỚC VIỆT NAM CHO TRÁI TIM MẸ

KINH DÂNG NƯỚC VIỆT NAM CHO TRÁI TIM MẸ

Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội, chúng con toàn thể giáo hữu Việt Nam hết lòng trông cậy chạy đến cùng Mẹ.
Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, là Mẹ chúng con. Mẹ là Nữ Vương toàn năng, là Đấng Bầu Cử cho chúng con trước tòa Chúa. Biết bao lần Mẹ cứu vãn Giáo hội và các dân tộc trong cơn nguy biến. Chúng con hết lòng thành kính hiến dâng Giáo hội và tổ quốc Việt Nam cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ, để thực hành mệnh lệnh của Mẹ và để nhờ Mẹ che chở phù trì ngày nay và mãi mãi!.
Xin Mẹ gìn giữ Giáo hội Việt Nam. Xin Mẹ soi sáng hàng giáo phẩm, dìu dắt và thánh hóa các linh mục. Xin Mẹ giúp sức cho toàn thể giáo dân được trung thành giữ luật Chúa, và sốt sắng làm việc tông đồ. Xin Mẹ nâng đỡ và ủi an những anh chị em của chúng con đang phải khốn khó vì đạo Chúa.
Xin Mẹ chúc lành cho tổ quốc Việt Nam. Xin Mẹ hướng dẫn các nhà lãnh đạo dân tộc. Xin Mẹ đem tinh thần Phúc Âm thấm nhuần tất cả các cơ cấu quốc gia. Xin Mẹ cho toàn thể dân Việt biết đoàn kết để cùng nhau xây dựng lại giang sơn. Nhất là xin Mẹ cứu chúng con thoát nạn duy vật vô thần, để mọi người được sống trong tự do hòa bình, ngõ hầu Nước Chúa được mổ rộng khắp nơi.
Lạy Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, chúng con thành khẩn kêu đến Mẹ, vì chúng con biết Mẹ sẽ nhận lời chúng con, và mặc dầu mọi nỗi khó khăn hiện tại, chúng con tin chắc Trái Tim Mẹ sẽ thắng. Amen.



VƯƠNG QUYỀN MẸ MARIA

VƯƠNG QUYỀN MẸ MARIA

Ngày 1 tháng 11 năm 1954, bốn năm sau khi tuyên bố tín điều Đức Maria hồn xác về trời, Đức Thánh Cha Piô XII đã long trọng đội triều thiên lên tượng Đức Trinh Nữ là "sự cứu rỗi của dân Roma". Đây là cử chỉ tượng trưng biểu thị sự công bố về vương quyền phổ quát của Đức Mẹ Maria.
Đoàn người đông đảo đứng chật quảng đường đền thờ thánh Phêrô, nhân danh cả hoàn cầu, dâng cao niềm hoan hỉ.
Đức Thánh Cha cầm những vòng vàng dát đá quí từ khắp thế giới gởi về, để đặt trên đầu tượng Chúa Giêsu và Mẹ Maria. Ngài nói: "Xin Mẹ cai quản trên Giáo hội, trên mọi trí khôn, mọi cõi lòng, mọi cá nhân, mọi gia đình cũng như mọi xã hội và mọi quốc gia, trên mọi cộng đoàn, những người quyền thế. Xin mẹ hãy cai trị trên mọi nẻo đường và mọi quảng trường, trong thành thị và chốn thôn quê, trên nền trời, cũng như trên mặt đất và cả biển khơi."
Ngài còn nói: "Vương quyền của Đức Maria là một thực tại siêu vượt thế trần, đồng thời lại thấm nhập mọi cõi lòng và chạm tới phần cốt yếu sâu thẳm nhất có tính cách siêu nhiên và bất tử nhất của con người."
Đức Maria là Mẹ thánh, tước hiệu này khiến cho Mẹ được đặc ân không bị thương tổn vì tội lỗi. Vô nhiễm nguyên tội, Mẹ cũng không bị thương tổn vì sự chết. Khi kết thúc cuộc đời trần gian cũng như từ những lời đầu tiên buổi truyền tin, mẹ là tuyệt đỉnh của nhân tính bất khả xâm phạm luôn hiệp nhất với Ngôi Lời để hoàn tất công cuộc cứu rỗi thế gian. Không một ý tưởng, hành vi nào của Mẹ lại rời khỏi con Mẹ trong việc chinh phục bản tính nhân loại và việc chinh phục vũ trụ.
Trong kinh lạy Nữ Vương chúng ta xưng tụng "Thân lạy Nữ Vương, lạy Mẹ từ bi, Mẹ là sự sống, sự ngọt ngào và hy vọng của chúng con”. Mẹ Maria được xưng tụng như Esther trong Cựu Ước đã cứu dân ra khỏi hoạ diệt vong, Nữ Vương có mọi quyền hành bên Đức Vua và là Đấng bầu cử linh thiêng nhất bên cạnh Đức Vua. Ngày nay, những lời ca tụng Đức Mẹ hướng về vẻ đẹp tuyệt mỹ của Đức Mẹ và uy quyền của Mẹ bên ngai tòa Chúa Giêsu. Mẹ là hoa quả tuyệt vời của ơn cứu rỗi và là hoa trái tuyệt mỹ của thập giá Chúa Giêsu "Một người nữ mình mặc áo mặt trời, chân đạp vầng trăng, đầu đội triều thiên mười hai ngôi sao” (Kh 12,1). Mẹ Maria là người Mẹ đầy uy quyền trước mặt Chúa: "Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo" (Ga 2,5).


Thăm mộ cụ Alexander De Rhode, người tạo ra chữ Quốc Ngữ Việt Nam

Thăm mộ cụ Alexander De Rhode, người tạo ra chữ Quốc Ngữ Việt Nam

  

Xin cám ơn người, một vị đại ân nhân của những người con nước Việt. Xin tri ân người với lòng kính yêu sâu sắc: Alexandre de Rohde


 

Câu chuyện về người con đất Việt tìm thăm lại mộ ngài Alexandre de Rohde ở miền đất xa xôi, làm cho người đọc cảm thấy ấm lòng.
Anh Trường là hướng dẫn viên du lịch, đi nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều nền văn hóa nhưng trong lòng vẫn mong ngóng về một điều bấy lâu, đó là được tới tận nơi ngài Alexander De Rhode an nghỉ, đặt lên mộ ngài một bó hoa và nói nên lời cảm tạ từ đáy lòng.
Sài Gòn Buổi Sáng xin phép anh Trường gửi tới bạn đọc câu chuyện về hành trình Thăm mộ cụ ALEXANDRE DE RHODE
“Từ thuở còn sinh viên, khi được học về nguồn gốc chữ quốc ngữ mà chúng ta có được để sử dụng một cách dễ dàng và tiện lợi như ngày nay. Tôi đã thầm cảm ơn những nhà truyền giáo phương Tây, đặc biệt là Alexandre de Rohdes, người đã có đóng góp lớn lao trong việc hoàn thiện hệ thống bảng chữ cái cho người Việt Nam của chúng ta.
Và may mắn thay, trong chuyến đi Iran lần này. Một cơ duyên vô cùng quý báu đã giúp tôi có cơ hội đến viếng thăm ngôi mộ, nơi yên nghỉ của ông trong một nghĩa trang nằm ở ngoại ô của thành phố Esfahan, Iran.
SỰ CHỈ GIÚP CỦA NHỮNG NGƯỜI BẠN TỐT BỤNG
Từ lời gợi ý của một chị bạn, chúng tôi biết được thông tin về ngôi mộ của Alexandre de Rhodes được an táng trong một nghĩa trang công giáo của người Armenia tại Esfahan. Nhưng do thời gian lưu lại nơi đây khá ngắn, vì thế hy vọng được đến viếng thăm ngôi mộ của ông là khá mong manh cho chúng tôi.
Khi nghe chúng tôi nói về ước nguyện của mình, cô Malih- một hướng dẫn viên người Iran vô cùng thông cảm và hết sức tận tình giúp đỡ. Mặc dù với thâm niên hơn 10 năm làm nghề hướng dẫn viên, đã đưa biết bao nhiêu đoàn khách từ khắp năm châu đến thăm Esfahan, nhưng là người Hồi giáo cho nên cô chưa hề biết đến thông tin về khu nghĩa trang người công giáo Armenia nằm ở đâu. Và cô cũng không hề biết đến thông tin nào về Alexandre de Rhodes.
Người đã giúp anh Trường có được tờ giấy phép vào thăm mộ ngài Alexandre de Rhodes
Sau quá trình tìm kiếm, thông qua một người bạn gái gốc Armenia, cô Mila hỏi thăm được địa chỉ của nghĩa trang. Nhưng vấn đề là không phải ai cũng được vào thăm nghĩa trang. Mà cần phải có sự đồng ý của người quản lý ở nghĩa trang.
Một lần nữa, chúng tôi may mắn gặp được một vị quản lý ở nhà thờ Vank, ông đã nhiệt tình viết cho chúng tôi một tờ giấy phép để xuất trình cho người quản lý ở nghĩa trang.
Cầm tờ giấy trên tay, chúng tôi vội vàng đi về phía ngoại ô thành phố Esfahan. Nơi có nghĩa trang của cộng đồng người Armenia sống tại đây.
NƠI NGƯỜI NẰM XUỐNG
Trước mặt chúng tôi là một nghĩa trang rộng lớn. Những dãy mộ xếp hàng dài nối bên nhau mênh mông. Chúng tôi biết là sẽ không dễ dàng để tìm ra vị trí lăng mộ của ngài. Chúng tôi tìm gặp một cụ già quản mộ ở đây dò hỏi. Cụ nhanh chóng lên xe đưa chúng tôi đến ngôi mộ có tên Alexandre de Rhodes….
Đường vào nghĩa trang nơi ngài Alexandre de Rhodes an nghỉ
Hôm chúng tôi đến, là ngày đầu năm mới của tết cổ truyền Nowruz của người Ba Tư (Iran), một vài ngôi mộ gần đấy được đặt những chậu hoa. Còn ngôi mộ của ông không có một cành hoa nào, đó chỉ là một nấm mồ nhỏ làm bằng một tảng đá hình chữ nhật nằm khép mình khiêm tốn bên những ngôi mộ khác.
Anh Trường cùng mọi người mua hoa trước khi đến thăm mộ ngài Alexandre de Rhodes
Một niềm xúc cảm thân thương nghẹn ngào mà tôi không thể tả thành lời đang tuông chảy trong tôi. Đây là nơi an nghỉ của người đã có đóng góp vô cùng to lớn cho dân tộc Việt Nam. Dưới lớp đất ấy là thi hài của một người phương Tây xa lạ.
Ông đã mất từ gần 4 thế kỉ trước nhưng ông là người đã giúp cho dân tộc Việt Nam có được một bảng chữ cái với các thanh sắc uyển chuyển nhẹ nhàng, nhằm để ghi lại và diễn đạt tiếng mẹ Việt Nam.
Mộ ngài Alexandre de Rhodes
Đặt một chậu hoa tím mua được trong một hiệu bán hoa tết của người Iran lên mộ ông. Chúng tôi không ai nói lời nào. Nhưng giữa chúng tôi có một sự đồng cảm sâu sắc. Chấp tay lên ngực, tôi khẻ cúi đầu xin gửi đến người một lời tri ân sâu sắc. 
Nhìn thái độ thành khẩn và tôn kính của chúng tôi dành cho người nằm dưới nấm mộ. Người quản trang hỏi cô Malih: ông ấy là ai mà chúng tôi có vẽ tôn kính thế. 
Và ông đã vô cùng ngạc nhiên khi biết rằng đây là người đã có công hoàn thiện bản chữ cái cũng như xuất bản những quyển tự điển Việt -Bồ- La tinh đầu tiên cho người Việt Nam từ những năm 1651.
Người con Đất Việt đặt lên mộ ngài bó hoa tươi thắm với tấm lòng thành kính

NGƯỜI QUẢN NGHĨA TRANG
Qua cuộc chuyện trò, tôi đuợc biết người quản trang có tên gọi là Rostam Gharibian, ông đã làm việc ở đây được 17 năm. 
Tôi hỏi, trong 17 năm đó có bao giờ ông thấy ai là con cháu hay người thân của ngài Alexandre de Rhodes đến viếng mộ ông ấy hay không. 
Thoáng chút đăm chiêu, ông trả lời rằng: vì là một thầy tu cho nên khi mất đi cũng như bao người khác Alexandre de Rhodes cũng không có vợ con. Và họ hàng thì cũng ở xa tít tận châu âu cho nên chắc cũng không ai còn nhớ.
Vì thế trong 17 năm nay ông cũng chưa hề nghe thấy một người họ hàng hay con cháu nào của ông đến thăm. Chỉ thĩnh thoảng đôi khi ông thấy có một vài người Việt Nam đến viếng mà khi đó thì ông cũng không biết họ là ai và có quan hệ như thế nào với người đã mất…
Anh Trường cùng người quản trang
THAY LỜI TRI ÂN
Theo truyền thống của những người Iran, tôi lấy một ít nước rửa lên nấm mồ của ông. Những giọt nước mát trong chảy lên bia mộ ông tựa như lời thì thầm của chúng tôi xin gửi đến người. Cả một đời ông cống hiến vì đạo. Và trong quá trình truyền giáo, với mục đích mong muốn truyền tải những thông điệp trong kinh thánh một cách dễ dàng hơn.
Ông đã không quản khó nhọc để tìm cách sáng tạo ra bảng chữ cái tiếng Việt. Và đến khi cuối đời, ngài đã lặng lẽ nằm lại nơi xứ người. Có lẽ giờ đây ông không còn một người bà con họ hàng nào nhớ đến ông để thỉnh thoảng ghé thăm chăm nom nấm mồ của ông nữa, nhưng có lẽ ông cũng ấm lòng khi biết rằng vẫn còn đó những người con nước Việt.
Vẫn còn đó hơn 90 triệu người con nước Việt trên khắp 5 châu sẽ Mãi Mãi không bao giờ quên ơn ông. Người đã có công vĩ đại trong việc chấm dứt 1000 năm tăm tối, 1000 năm khốn khó khi những người Việt phải đi mượn chữ Tàu ghi lại tiếng Việt.

Và giờ đây, hạnh phúc thay. Chúng ta đã có được bảng chữ cái của riêng mình. Một bảng chữ cái dựa trên các ký tự La Tinh nhưng vô cùng uyển chuyển và dễ học.
Xin cám ơn người, một vị đại ân nhân của những người con nước Việt. Xin tri ân người với lòng kính yêu sâu sắc: Linh mục Alexandre de Rohde !” (Cha Đắc Lộ)
Esfahan, Iran. 21/3/2017
TRẦN VĂN TRƯỜNG -VYC TRAVEL


Thứ Hai, 7 tháng 11, 2011

Linh mục Giuse Phạm Minh Triệu: Chúng tôi luôn luôn sát cánh và hiệp thông với Thái Hà trong mọi tình huống.

Linh mục Giuse Phạm Minh Triệu: Chúng tôi luôn luôn sát cánh và hiệp thông với Thái Hà trong mọi tình huống.

Linh mục Giuse Phạm Minh Triệu hiện ở Giáo xứ Bảo Long, Nam Định, người đã từng nhiều lần đứng lên bảo vệ Công lý – Sự thật ở Giáo hội và Xã hội.
Xuất thân từ một Luật sư, ngài đã nhiều lần đấu tranh cho sự thật, công lý bằng chính pháp luật và luật pháp.
Xin giới thiệu bài phỏng vấn Linh mục Giuse Phạm Minh Triệu về biến cố vừa xảy ra tại Thái Hà vừa qua.
  1. 1. Kính thưa Cha Phạm Minh Triệu gần đây có những sự kiện xảy ra với Giáo Xứ Thái Hà Hà Nội, Cha ở giáo xứ Bảo long này thì Cha có được những thông tin gì và cảm nhận của Cha về việc đó như thế nào ?

Linh mục Giuse Phạm Minh Triệu – Quản xứ Bảo Long


Tôi nhìn nhận đây là đám người đã được chuẩn bị kỹ lưỡng vì quay camera. Bên ngoài có sự bảo vệ thì rõ ràng là do có sự bảo kê của chính quyền không thể chối cãi được nữa. Cơ quan hành pháp phải bảo vệ người dân,và nhất là các cơ sở tôn giáo nhưng đám đông người này có sự chuẩn bị, đó là một việc làm hết sức trơ trẽn, trái với lương tâm, trái với đạo lý con người. Hơn nữa nó còn trái với những gì mà nhà nước đã từng tuyên bố là Nhà nước Việt nam hoàn toàn có tự do tôn giáo. Những hình ảnh và việc làm này đã tỏ rõ rằng phường Quang Trung – Quận Đống đa đã không tôn trọng tôn giáo, không tôn trọng quyền con người.
Tôi hoàn toàn phản đối hành vi này.
  1. 2. Khi đám người ô hợp dưới sự bảo kê của chính quyền đã vào ngay trong sân nhà thờ có xô xát, có người còn nắm lấy cổ áo của Cha Gioan Lưu Ngọc Quỳnh xô đẩy, có kẻ còn đánh nguội thầy Tu Sĩ Nguyễn Văn Tặng. Họ đã lăng mạ linh mục tu sỹ là những hình ảnh thiêng liêng đối với chúng con thì với tư cách Cha là một linh mục, một tu sỹ trong giáo hội Ngài cảm thấy thế nào ?
Qua video Clip, tôi thấy một đám người rất là đông, hung hãn, túm cổ áo của một linh mục để rồi giằng co, có những lời lẽ xúc phạm. Tôi thấy đó là một sự xúc phạm. Là một linh mục có lẽ trong đời tôi chưa từng có kinh nghiệm đó nhưng tôi thấy như vậy là một hình ảnh suy đồi đạo đức, đạo lý Việt Nam. Truyền thống của Việt Nam là tôn trọng các tôn giáo, các chức sắc tôn giáo, không phân biệt là công giáo hay phật giáo đều được xã hội ghi nhận và tôn trong nhưng cho đến nay đã đến lúc đạo đức đã bị báo động, xuống cấp.
Về mặt chính trị thì có một sự bảo kê nào đó đằng sau thì những người này mới có thể có những hành vi vi phạm như vậy; Bởi vì khi Nhà nước hoặc một tổ chức nào xúc phạm tôn giáo thì khác nào những người này tuyên chiến với tôn giáo, và như coi như thế là họ đã tự đánh mất chính mình. Tôi đã từng nói là tuyên chiến với tôn giáo là tự sát.
  1. 3. Cám ơn Cha rất nhiều về câu trả lời trên. Có một điều chúng con biết và rất thán phục Cha là Cha đã tốt nghiệp chính quy trường Đại Học Luật, xét dưới góc độ pháp lý thì Cha đánh giá về những việc vi phạm pháp luật của đám người gọi là “tự phát” nhưng có tổ chức như trên như thế nào?
Thứ nhất là đã học tại Đại học Hà Nội, tôi cũng được học và theo sự hiểu biết của tôi thì đây là một hành vi vi phạm pháp luật có tổ chức rõ ràng, có thể cấu thành tội phạm về việc hành hạ người khác, đập phá các cơ sở tôn giao có thể cấu thành tội phạm hủy hoại tài sản của cá nhân, tổ chức mà tổ chức ở đây là DCCT. Theo pháp luật thì xúc phạm đến các cơ sở tôn giáo là nằm trong trường hợp Nhà nước phải lên tiếng trong những trường hợp như thế này. Tôi nghĩ đây là một hành vi vị phạm pháp luật quá rõ ràng, không cần phải tìm chứng cứ cũng có thể cấu thành tội phạm trực tiếp hành hung người khác, hủy hoại tài sản của người khác mà ở đây chính là của DCCT Thái Hà
Nếu xã hội còn có pháp luật thì ngay lập tức phải tiến hành điều tra, ngăn chặn và phải làm rõ hành vi vi phạm pháp luật của đám người này.
  1. 4. Theo chúng con được biết thì DCCT và Giáo Xứ Thái Hà cũng đã làm đơn gửi lên các cơ quan công quyền trình báo về hành vi vi phạm pháp luật của đám người này. Theo kinh nghiệm và sự hiểu biết của Cha thì Ngài cảm thấy câu chuyện này sẽ đi đến đâu ạ ?
Xét về góc độ pháp lý và lý luận thì nếu xã hội còn có một chính thể thì các cơ quan điều tra phải có trách nhiệm điều tra, thụ lý tất cả các đơn khiếu nại, đề nghị của người bị hại là DCCT. Nhưng qua kinh nghiệm thực tế thì từ vụ giáo dân năm 2008 cho đến vụ xét xử Cù Huy Hà Vũ, các vụ xét xử liên quan đến đất đai thì tôi thấy rằng, không phải là bi quan nhưng các đơn từ của các Cha như vậy khác nào, tôi có thể nói là “đánh trống vào tai trâu”. Cho nên là về mặt giải quyết triệt để, đúng pháp luật, đúng người đúng tội thì không dễ dàng. Nói như vậy không phải là bi quan mà vì các cơ quan hành pháp, tư pháp, lập pháp không độc lập với nhau mà đều dưới sự chỉ đạo của một tổ chức. Mà tổ chưc đó đã có kinh nghiệm chỉ đạo lén lút. Việc thủ tục phải làm thì các cha phải làm nhưng xét về thực tế thì Không bao giờ có việc giải quyết đến nơi đến chốn nếu còn để thể chế cộng sản này.
  1. 5. Cuối cùng xin cha có gửi gắm điều gì với Anh Chị Em giáo dân Thái Hà và cũng như các Linh mục, tu sỹ Dòng Chúa Cứu Thế Hà Nội đang trong lúc khó khăn đối mặt với nhiều hành vi khiêu khích, tấn công này.
Thứ nhất về mối quan hệ thì giáo xứ Thái Hà và giáo xứ Bảo Long thì có mối quan hệ đặc biệt. Cách đây nửa năm thì dòng CCT đã ưu ái về đây làm tuần đại phúc, cuối tuần công việc vừa thiêng liêng vừa có ý nghĩa đó thì tôi có tuyên bố “Việc của Bảo Long cũng là của Thái Hà và việc của Thái Hà cũng là việc của Bảo Long”. Sau khi nghe tin giáo xứ Thái Hà đã bị đàn áp, đánh đập thì tôi đã gọi điện thoại hiệp thông với cha phó bề trên chính xứ Thái Hà để hiệp thông với toàn thể giáo xứ Thái Hà. Ngoài ra giáo xứ Bảo Long chúng tôi còn có mời gọi mọi người cầu nguyện, dâng thánh lễ và đặc biệt là tối ngày hôm nay Chủ nhật ngày 6/11 toàn giáo xứ sẽ thắp nến cầu nguyện cho GX Thái Hà; Và nhất là không phải chúng tôi hiệp thông với một tình cảm cá nhân nhưng với văn thư của Tòa Tổng giám mục Hà Nội thì chúng tôi thấy rằng chúng tôi đã cùng Đấng bản quyền hiệp thông phản đối các cơ quan truyền thông vu cáo, quyên tạc với ý đồ đen tối.
Thông qua 2 nội dung của đấng bản quyền HN, Giáo xứ Bảo Long cũng hoàn khẳng định và tôn trọng quyền sở hữu của DCCT trên khu đất 61,455m2 tại 180 Nguyễn Lương Bằng, Đống Đa bao gồm các phần đất, phần tài sản của giáo xứ.
Thứ hai là chúng tôi cực lực phản đối, không chấp nhận những hành vi thiếu văn hóa và vi phạm pháp luật của nhóm người đã xuất hoàn toàn ủng hộ chủ quyền, đặc biệt là những hành vi
Chúng tôi, Giáo xứ Bảo Long, luôn luôn sát cánh và hiệp thông với Thái Hà trong mọi tình huống. Chúng tôi luôn luôn yểm trợ bằng lời cầu nguyện và các khả năng có thể. Bởi vì giáo xứ Thái Hà cũng là một thành phần trong giáo hội và trong Tổng giáo phận Hà Nội.
Xin cám ơn Cha đã trả lời phỏng vấn chúng con.
Quốc Lê